Dìdi: Thư cho tuổi dậy thì lạc lối - Tin Tức Giải Trí Việt Nam

Breaking News

Dìdi: Thư cho tuổi dậy thì lạc lối

Thư cho tuổi dậy thì lạc lối - Ảnh 1.

Diễn viên Izaac Wang (Chris Wang) trên trường quay Dìdi

Những ngày tháng không làm gì ngoài những cuộc vui chơi với bạn chí cốt, làm quen với bạn mới nhưng đồng thời cũng dần xa cách những chiến hữu từng rất thân.

Đó cũng là khi Wang học được nhiều thứ mới mẻ mà gia đình không thể dạy cậu: cách trượt ván, cách tán tỉnh, cách tiệc tùng, và cách yêu thương mẹ.

Dìdi và trải nghiệm lạc lối của tuổi dậy thì

Dìdi là bộ phim đậm màu cuối hè và đầu thu, thời khắc buồn bã man mác của những đứa trẻ khi phải thức tỉnh từ một kỳ nghỉ hè dài để quay lại trường học. Và đôi khi nó kéo theo sự lạc lõng của một cá nhân sinh hoạt trong một tập thể mà người đó không thuộc về.

Như bao đứa trẻ châu Á trong các bộ phim về gia đình Mỹ gốc Á khác, Wang bị so sánh với đứa trẻ châu Á con nhà người ta học giỏi hơn nhiều, và đôi khi cậu cảm thấy xấu hổ với chính dòng máu da vàng của mình khi nói dối với những người bạn lớn tuổi hơn rằng cậu là con lai.

Dìdi trailer

Tuổi dậy thì là vậy, chúng ta nhiều lúc muốn che giấu đi nhiều điều về bản thân mặc cho điều đó định hình con người của chúng ta. Wang là một nhân vật khó ưa, nhưng không hề đáng ghét. Vì nếu ghét cậu nhóc này, cũng là ta đang ghét bản thân phiên bản tuổi dậy thì của chính mình.

Wang vụng về đi tìm chỗ đứng của mình trên thế giới này, phạm phải sai lầm đáng xấu hổ với gia đình, bạn bè, và thất bại ê chề.

Trong lúc chật vật đi tìm chính mình, Wang vô tình đánh mất đặc tính nguyên bản định nghĩa con người cậu. Dìdi đã nắm bắt được những khoảnh khắc nhỏ nhặt nhưng đầy phức tạp của trải nghiệm trưởng thành ấy.

Thư cho tuổi dậy thì lạc lối - Ảnh 2.

Khoảnh khắc ấm cúng của hai mẹ con Chungsing (diễn viên Joan Chen) và Chris

Đạo diễn Sean Wang chia sẻ rằng anh muốn xây dựng hình ảnh người mẹ châu Á với tâm hồn nghệ sĩ, sự đồng cảm và dịu dàng mà anh chưa từng thấy trong những bộ phim cùng đề tài về tuổi trưởng thành, thay vì theo khuôn mẫu "mẹ hổ" đã quá quen thuộc.

Ai rồi cũng sẽ lớn thêm

Dìdi cũng nói về cái "nếu như...", về một tương lai nào đó nếu người mẹ Chungsing (được khắc họa đầy dịu dàng bởi Joan Chen) của Wang không cưới chồng sinh con mà lại tự thân mình sang Mỹ để trở thành một họa sĩ.

Vẫn là một câu hỏi day dứt về một cuộc đời khả dĩ đã trôi khỏi tầm tay khi ta chọn hướng đi khác nhưng không khiến ta hạnh phúc.

Người mẹ không phải luôn mang chức vụ làm mẹ. Trước khi lập gia đình, những người mẹ từng là những cô gái trẻ trung mang trong mình những ước mơ riêng, những nỗi niềm thầm kín của tuổi mới lớn.

Rồi đến lúc nào đó, những đứa trẻ sẽ lớn lên và nhìn nhận mẹ của chúng vượt ra khỏi hình tượng của một người mẹ, thay vào đó là hình ảnh chân thực của một con người chất chứa đầy nỗi lòng âm ỉ bên trong.

Tình mẫu tử trong Dìdi được bao quanh bởi yếu tố tuổi dậy thì, tình bạn, và hành trình đi tìm nơi bản thân thuộc về. Chungsing là người mẹ đầy dịu dàng, và ân cần đối với đứa con trai ngỗ nghịch luôn khó chịu trước sự quan tâm của bà.

Sự bao dung, yêu thương vô bờ bến của người mẹ đầy tổn thương và đơn độc này đã tăng thêm phần xót thương của khán giả khi nhìn nhận mối quan hệ của họ ở tuổi mới lớn.

Tình yêu của Chungsing không thể hiện qua lời nói, nhưng hiện hữu trong từng hành động, ánh mắt, và nụ cười của bà dành cho Wang.

Dìdi và 20th Century Women của Mike Mills có nhiều điểm tương đồng với nhau vì chúng đều là câu chuyện trưởng thành của một cậu nhóc thiếu niên trong gia đình thiếu vắng người cha.

Phim không như một bức thư dành cho tuổi thành niên trong thời kỳ đầu của mạng xã hội, mà còn là lời cảm ơn và xin lỗi của chính đạo diễn Sean Wang gửi tặng cho mẹ mình vì đã kiên nhẫn với đứa trẻ một thời từng ngỗ ngược là anh.

Ai rồi cũng sẽ lớn thêm, dù đó có là cậu nhóc 15 tuổi hay người mẹ đã ở độ tuổi trưởng thành. Nuôi dưỡng một đứa trẻ là lớn lên cùng nó từng ngày.

Thư cho tuổi dậy thì lạc lối - Ảnh 3.

Các bạn trẻ trong phim Dìdi

Dìdi không rơi vào cái bẫy của sự hoài niệm "ăn liền" một cách vô hồn và lười biếng.

Dìdi nắm bắt được trải nghiệm độc nhất của việc dậy thì trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thế hệ Y và Z với sự phổ biến của Myspace, Facebook, qua cách từng dòng tin nhắn được gõ ra, những chiếc video mờ nhòe mang năng lượng hỗn loạn của tuổi trẻ đầy vụng về được đăng lên YouTube thời chưa bị công nghiệp hóa.

Để tìm thấy con người thật của mình, ta phải đội lên nhiều vỏ bọc khác nhau, và đôi khi lạc lối trong chính những chiếc vỏ đó.

Dìdi gợi nhắc rằng ta vẫn luôn có cơ hội để trưởng thành. Hãy để mùa hè làm mùa hè, hãy để mùa thu làm chính nó, và hãy để bản thân làm chính mình mặc cho mọi sự lạc lối.

Gần đây xuất hiện nhiều những bộ phim về người Mỹ gốc Á thấm đẫm nỗi buồn vấn vương giữa hai nền văn hóa khác biệt, giữa cội nguồn và cuộc sống mới, giữa quá khứ và hiện tại, thậm chí giữa làn ranh sinh tử.

Năm 2019 có The Farewell, 2020 có Minari, 2021 là After Yang, 2022 xuất hiện siêu phẩm Everything Everywhere All at Once, năm 2023 có Past Lives, và mới đây nhất là Dìdi của Sean Wang.

No comments