Thành phố điện ảnh của Việt Nam: Đã đến lúc TP.HCM cất lên tiếng nói kiêu hãnh của sáng tạo
TP.HCM là một trong những địa phương tham gia đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ (diễn ra từ ngày 23 tới 25-9 tại San Francisco và Los Angeles, bang California, Mỹ).
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, nói với Tuổi Trẻ rằng TP.HCM dự sự kiện này với mong muốn đóng góp cho những mục tiêu quan trọng của quốc gia.
Đồng thời triển khai những nội dung của kế hoạch thực hiện Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP. Đặc biệt là đề án xây dựng TP.HCM thành TP sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh, hòa vào mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (UCCN).
TP.HCM có đủ các yếu tố
Ông Vi Kiến Thành, cục trưởng Cục Điện ảnh, đánh giá đây là một "ý tưởng hay, phù hợp với TP.HCM và nơi đây có đầy đủ các yếu tố để trở thành một trung tâm điện ảnh, một thành phố điện ảnh của Việt Nam".
"Hiện điện ảnh TP.HCM phát triển nhất nước. Đặc biệt là phim truyện Việt Nam, từ số lượng tới chất lượng, chủ yếu do các doanh nghiệp điện ảnh ở TP.HCM sản xuất. Nguồn lực kinh tế cũng như con người, bối cảnh... đều nằm hết ở đây - ông Thành nói "nếu TP.HCM quyết tâm, mục tiêu này rất dễ trở thành hiện thực trong một tương lai gần".
Lãnh đạo Cục Điện ảnh nói thêm, trong nhiệm kỳ của ông, ông luôn đánh giá cao sự cố gắng của các doanh nghiệp và các nghệ sĩ điện ảnh ở TP.HCM.
TP có tiềm năng rất lớn khi sở hữu một đội ngũ nhà sản xuất, nhà làm phim tâm huyết, trẻ trung, năng động và cập nhật xu hướng làm phim của điện ảnh thế giới, trong đó có nhiều người được đào tạo ở nước ngoài về.
Bà Thúy thì chia sẻ TP.HCM đang xây dựng đề án hướng tới TP điện ảnh. Tại TP.HCM, điện ảnh được xem là mũi nhọn trong tám lĩnh vực của công nghiệp văn hóa.
Năm ngoái, Việt Nam có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ 2 Đông Nam Á, trong đó TP.HCM là nơi có lượng khán giả đến rạp đông nhất cả nước, với 56 cụm rạp, chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh của cả nước.
Số lượng doanh nghiệp điện ảnh tại đây là hơn 800 doanh nghiệp. Hiện TP có hơn 100 đơn vị, cơ sở đăng ký sản xuất và phát hành phim.
Quyết tâm tới đâu?
Để làm được, bên cạnh Luật Điện ảnh 2022 có những thay đổi tích cực, theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, TP có những cơ chế hướng tới một môi trường để phát triển điện ảnh.
Chẳng hạn TP có một số chính sách khuyến khích sản xuất phim như hỗ trợ kinh phí cho các dự án phim có giá trị nghệ thuật cao, quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương cũng như đang hình thành quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật.
TP cũng có khuyến khích hợp tác quốc tế như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ các giải pháp đảm bảo an ninh, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, văn hóa...
Đồng thời quan tâm tới các chương trình đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, nhất là tài năng trẻ.
Bà Thúy thông tin quy hoạch tổng thể của TP.HCM đến năm 2045 đã đề ra nhiều chỉ tiêu phát triển hệ thống hạ tầng cho ngành điện ảnh và công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm như hệ thống phim trường, sản xuất hậu kỳ điện ảnh, trung tâm đào tạo nhân lực, các khu phức hợp tổ chức các sự kiện quốc tế...
Tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng TP.HCM nhanh chóng trở thành TP điện ảnh trong tương lai gần.
Tuy nhiên để giấc mơ sớm thành hiện thực, TP.HCM vẫn còn một chặng đường phía trước. Ông Vi Kiến Thành dẫn ví dụ điện ảnh là ngành có tính tiên phong trong việc cập nhật xu thế của thế giới (về công nghệ, kỹ thuật, kỹ xảo...).
Những điều này ở TP.HCM đã có và tương đối tốt; song nếu biết cách thu hút được các đoàn phim quốc tế vào hợp tác, thậm chí sử dụng dịch vụ của điện ảnh TP.HCM, thì sẽ kích thích những thế mạnh nội tại hơn nữa. Hiện ta chưa làm được và "ta cũng đang thiếu những quy định và văn bản dưới luật để thực tiễn hóa việc ưu đãi thuế", ông nói.
Đạo diễn Phan Đăng Di lấy dẫn chứng Busan - từ một TP công nghiệp vươn thành một trong hai "đầu não" của công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc nhờ Liên hoan phim Busan.
Theo ông, để làm được điều đó, vai trò của chính quyền Busan rất quan trọng.
"Trong vấn đề này, TP.HCM cũng phải xác định được TP quyết tâm tới đâu. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những quyết sách liên quan", ông Di bày tỏ.
Theo đạo diễn, để hướng tới một TP điện ảnh, việc tổ chức những hoạt động có tính quốc tế, chẳng hạn như HIFF năm nay, cũng là việc cần.
Song thay vì trông chờ vào xã hội hóa, chính quyền TP cần mạnh dạn hơn nữa và dành một ngân sách lớn để ước muốn của mình thành hiện thực. Bởi lẽ những sự kiện như thế cũng là cơ hội để TP cất lên tiếng nói kiêu hãnh của nó.
"Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn nhưng trong vấn đề này, vị "nhạc trưởng" tốt nhất vẫn là chính quyền TP. Và khi làm thì làm thực tâm, thực chất, làm một cách chuyên nghiệp từ khâu nhỏ nhất. Trong chuyện này không cần phải đi vội vàng mà đi chậm mà chắc", ông Di nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy thông tin trong khuôn khổ chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ, đoàn công tác của TP.HCM sẽ có cuộc gặp với ông Nicolas Simon (CEO của Indochina Productions) và ông Justin Booth (giám đốc sản xuất của show The Challenges chiếu trên kênh MTV).
Qua đó trao đổi về tiềm năng, thuận lợi của bối cảnh làm phim ở TP để thu hút các nhà làm phim thế giới.
Ngoài đề cập tới những cơ chế, chính sách thu hút nhà làm phim của chính quyền TP.HCM, TP cũng mong được lắng nghe những kinh nghiệm của họ trong xây dựng nền công nghiệp sáng tạo nội dung số ở TP, trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong điện ảnh...
No comments