Breaking News

Màn ảnh Việt 2022: "Bội thực" những bộ phim thảm họa

Mến gái Miền Tây

Võ Đăng Khoa gần đây được biết đến với vai trò nhà sản xuất và diễn viên chính của phim điện ảnh Mến gái miền Tây – phiên bản mở rộng từ web drama Ghe bẹo ghẹo ai. Nội dung phim đề cập đến những mảnh đời trong cộng đồng LGBT, cũng như những vấn đề xoay quanh gánh hát Hương mùa thu. Tác phẩm chủ yếu lấy bối cảnh miền Tây sông nước quen thuộc của Việt Nam, khắc họa nên những câu chuyện làng xóm và những định kiến khắt khe của người đời về người chuyển giới.

Màn ảnh Việt 2022: "Đại tiệc" của những bộ phim thảm họa - Ảnh 1.

Mến gái Miền Tây có doanh thu 7 tỉ đồng. Ảnh: NSX

Ngay ngày đầu tiên ra mắt, bộ phim đã vướng phải "vận đen" khi không chiếu được tại nhiều các cụm rạp. Sau đó, Võ Đăng Khoa có trần tình trên trang cá nhân rằng, do nhiều lý do và đặc biệt là có một thế lực nào đó "chơi xấu" phim của anh khi quá nhiều bình luận chê bai. 

Viết trên trang cá nhân của mình, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch không ngần ngại chê bai bộ phim này, đồng thời nhấn mạnh Mến gái miền Tây làm sai lệch hoàn toàn cách tiếp cận của công chúng với cộng đồng LGBT. Phim xây dựng nhân vật có tinh cách và câu thoại quá lố, không những tạo nên sự đồng cảm mà còn làm tăng thêm cái nhìn thiếu thiện cảm cho cộng động LGBT. Trong khi nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang muốn người đồng tính hay người chuyển giới có thể sống một cách bình thường với xã hội thì bộ phim này không phản ánh đúng thực tế về cộng đồng này.

Cù lao xác sống

Màn ảnh Việt 2022: "Đại tiệc" của những bộ phim thảm họa - Ảnh 2.

Cù lao xác sống doanh thu 12 tỉ nhưng vẫn nhận ý kiến trái chiều từ bị khán giả. Ảnh: NSX

Là bộ phim xác sống đầu tiên do Việt Nam sản xuất, câu chuyện của đạo diễn Nguyễn Thành Nam và nhà sản xuất Nhất Trung xoay quanh một vùng cù lao thuộc hạ nguồn Mekong. Bắt đầu với sự kiện một cụ già bị zombie tấn công trong đêm, thảm kịch dần lan khắp vùng quê nghèo. Xác sống từ đồng ruộng tràn lên đường nhựa, tấn công các nhóm người chạy ra bến phà để tẩu thoát. Giữa tình thế nguy cấp, Công - một thầy thuốc Đông y (Huỳnh Đông đóng) - lạc mất con gái. Anh phải bao bọc cha già, cùng những người sống sót tìm cách thoát khỏi ma trận zombie.

Dù cố gắng tạo ra ấn tượng với một đề tài chưa từng có của màn ảnh Việt, Cù lao xác sống đã rời rạp sau 3 tuần công chiếu. Bộ phim nhận về phản ứng của khán giả cho rằng, kịch bản cẩu thả, hóa trang "nửa mùa" và nực cười. Doanh thu của bộ phim lên tới 12 tỉ nhưng nhà sản xuất Nhất Trung  nhận về vô vàn bình luận chê bai từ dư luận lẫn khán giả.

Nhà sản xuất cũng phải thừa nhận bộ phim của mình đã thất bại: "Tôi vẫn giữ quan điểm là khán giả luôn đúng. Còn chúng ta mỗi người sẽ có quan điểm của riêng mình. Nếu khán giả nói Cù lao xác sống là phim thảm họa thì tức là thảm họa. Trong ngành này, chúng ta sẽ tự hiểu phim của mình được và yếu gì. Tôi và ê-kíp không bào chữa, giải thích gì về những hạn chế của phim. Nếu phim không thuyết phục được khán giả nghĩa là mình dở rồi. Dù vậy tôi vẫn ước ao đến thời điểm nào đó làm được bộ phim khiến khán giả xuýt xoa rằng, phim Việt cũng làm được phim zombie như nước ngoài. Do đó, ê-kíp chọn cách đương đầu, không bỏ cuộc" - nhà sản xuất Nhất Trung cho biết.

Virus cuồng loạn

Màn ảnh Việt 2022: "Đại tiệc" của những bộ phim thảm họa - Ảnh 3.

Virus cuồng loạn thể hiện sự non tay của đạo diễn trẻ Nhất Duy. Ảnh:

Virus cuồng loạn là bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy, kể về một đoàn phim đang quay tác phẩm về đề tài zombie tại một khu nghỉ dưỡng thuộc vùng núi. Tại đây, cả đoàn đã gặp nạn zombie thật. Nguyên nhân chính là do những thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc được bán rộng rãi.

Nói về bộ phim này, Nguyễn Ngọc Nhất Duy từng chia sẻ rằng, anh biết phim của mình còn nhiều thiếu sót nhưng tác phẩm vẫn xứng đáng ở thang điểm 7. Đạo diễn trẻ còn khẳng định: "Cả ê-kíp đang cố lấy lại niềm tin của khán giả với phim xác sống".

Nhận xét về bộ phim, chuyên gia điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng: "Sự lỏng lẻo, dễ dãi của đạo diễn lẫn nhà phát hành đã tạo điều kiện cho những dự án tệ "quấy rầy" người xem. Vì lẽ đó, khán giả "bội thực" trước những bộ phim chất lượng trung bình yếu và quay lưng với điện ảnh nội địa cũng là điều dễ hiểu".

Huyền sử Vua Đinh

Hình ảnh phim Huyền sử Vua Đinh. Nguồn: NSX

Gây thất vọng hơn cả Virus cuồng loạn là bộ phim lịch sử Huyền sử Vua Đinh chỉ thu về vỏn vẹn vài chục triệu đồng. Phim kể lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, có yếu tố huyền sử - là những truyền thuyết dân gian truyền miệng, có liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mang tính chất thần kỳ. Dù vậy, nhiều người cho rằng, đây là một bộ phim được làm hời hợt, không có cấu trúc chuẩn điện ảnh và không khác nào phim tài liệu minh họa.

Đạo diễn Anthony Võ và nhà sản xuất Bích Lành cho biết: "Chúng tôi làm phim này xuất phát từ mong mỏi cá nhân. Chúng tôi thấy nhiều bạn trẻ xem phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc trong khi lịch sử Việt rất hay thì lại không có nhiều người biết. Chúng tôi muốn mang lịch sử đến gần công chúng, đến thế hệ trẻ. Chúng tôi cũng biết cách làm cho đến nơi đến chốn nhưng sức người có hạn, kinh phí cũng có hạn nên chủ trương có đến đâu, làm đến đó".

Tuy nhiên, với 45 triệu đồng thu được phim Huyền sử Vua Đinh chính thức nằm trong top phim tư nhân có doanh thu thấp nhất điện ảnh Việt. Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm thẳng thắn nhận xét: "Một số nhà sản xuất, đạo diễn vẫn ảo tưởng nhiều vào nền điện ảnh và phải có những "cú ngã ngựa", những "cú tát" trực tiếp với sự lạnh lùng, xa lánh thì may ra mới tỉnh được. Đó là một cuộc đào thải khắc nghiệt nhưng cần thiết". Chuyên gia điện ảnh Lê Hồng Lâm cũng cho rằng, không thể lấy mác "tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc" để bao biện cho một tác phẩm kém chất lượng.

No comments