Một năm nhìn lại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Quyết liệt bài trừ "rác" văn hóa (bài 2)
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện nhằm xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, trong đó có việc "Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hoá, phản văn hoá; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân; xây dựng đời sống văn hoá vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền của đất nước".
Bài trừ "rác" văn hoá trên mạng xã hội
Nhiệm vụ "đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác", từng bước xoá bỏ các vấn nạn văn hoá nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, con người Việt Nam phát triển toàn diện đã được đặt ra một cách cấp bách ngay sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021. Các hành động nhằm bài trừ "rác" văn hoá trong đời sống – xã hội, đặc biệt trên không gian mạng (nơi tập trung nhiều vấn đề nổi cộm) đã diễn ra mạnh mẽ trong vòng hơn một năm trở lại đây.
Hàng loạt sản phẩm "rác" văn hoá bị cơ quan chức năng xử phạt. Tháng 4/2022, Bộ VHTTDL xử phạt ca sĩ Sơn Tùng M-TP khi MV There's no one at all của nghệ sĩ này có nhiều hình ảnh tiêu cực, bị đánh giá là gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý giới trẻ. Tháng 7/2022, The Roundup - bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc bị cấm chiếu tại Việt Nam vì có quá nhiều cảnh bạo lực… Ngày 20/9, các MV triệu view trên nền tảng YouTube của rapper Bình Gold như Ông bà già tao lo hết, Trơn, Lái máy bay, Bốc bát họ, Quan hệ rộng bị xoá bỏ. Những MV này có điểm chung là ngôn từ dung tục, hình ảnh phản cảm... ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ.
Mới đây, ngày 29/11, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM ra quyết định xử phạt Phạm Đức Tuấn, 26 tuổi chủ tài khoản Tiktoker Nờ Ô Nô về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc"; theo Điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020. Trước đó, tài khoản Tik tok có hơn 600.000 lượt theo dõi đã bị khóa vì có nhiều clip gây phẫn nộ.
Để loại bỏ các sản phẩm nghệ thuật kém chất lượng tràn lan trên mạng xã hội, Cục NTBD đã có văn bản gửi đến Thanh tra Bộ VHTTDL xem xét, xử lý các nghệ sĩ đã phát hành sản phẩm có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Cục cũng đề nghị xử phạt hành chính với những nghệ sĩ vi phạm theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Những hành vi phản văn hoá của người dùng trên mạng xã hội, đặc biệt là người nổi tiếng như quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, nói tục chửi bậy trên trang cá nhân, xúc phạm danh dự người khác thông qua mạng xã hội, hay tuyên truyền những thông tin sai lệch cũng được chấn chỉnh mạnh mẽ.
Tháng 3/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ VHTTDL; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ VHTTDL tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng. Các quy định này đã tạo ra những chuyển biến tích cực, được đông đảo người dân ủng hộ.
Cuối năm 2021, Facebooker Trang Trần bị xử phạt vì phát ngôn phản cảm, không chuẩn mực trên mạng xã hội. Tháng 03/2022, doanh nhân Nguyễn Phương Hằng bị bắt giữ với cáo buộc "lợi dụng sức ảnh hưởng của mình, phát ngôn mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" thông qua việc livestream trên Facebook.
Tháng 10/2022, một loạt nghệ sĩ đăng bài quảng cáo các hoạt động mê tín dị đoan, sản phẩm kém chất lượng phải gỡ bỏ thông tin trước làn sóng phản đối dữ dội của dư luận.
Việc bài trừ "rác" văn hoá trên mạng xã hội cũng được các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung phản ánh. Ông Bùi Hồng Phúc, Phó Trưởng ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam (Đài THVN) cho biết: "Trong năm 2022, Đài THVN đã dành thời lượng đáng kể để phân tích những biểu hiện lệch chuẩn trên không gian mạng như: Tình trạng câu like câu view bất chấp hậu quả, làm xói mòn các giá trị đạo đức; gióng lên hồi chuông cảnh báo với người dùng mạng xã hội. Hiện tượng bình phẩm trên mạng thiếu căn cứ, thiếu văn hóa gây ra nhiều hệ lụy cho các nạn nhân và cho cả xã hội đã được các chương trình trên VTV phân tích một cách sâu sắc".
Xoá bỏ các tập tục lạc hậu
Có thể chia "rác" văn hoá thành hai loại. Thứ nhất là thói quen, tập tục từ nhiều thế hệ, đã không còn phù hợp với sự phát triển cũng như trình độ con người hiện đại. Dễ thấy đó là các tập tục như trọng nam, khinh nữ, thói quen đốt vàng mã tràn lan, các hoạt động mê tín dị đoan… Sự tồn tại của những tàn dư này gây ra không ít vấn đề lớn trong xã hội như hôn nhân – gia đình, an ninh – trật tự, ngăn chặn sự phát triển của xã hội.
Thứ hai, đó là các vấn nạn văn hoá nảy sinh cùng sự phát triển của thời đại, khi các giá trị đạo đức xuống cấp. Trong khi đó, internet, mạng xã hội phát triển, tạo điều kiện cho nhiều loại văn hoá phẩm đồi truỵ, kém chất lượng lan tràn, "tiêm nhiễm" vào tư duy của nhiều người, tạo ra hàng loạt hành động lệch lạc, xấu xa khác.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: "Sau một năm Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 diễn ra, xã hội Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều thay đổi. Trước hết, đó là công cuộc chống tham nhũng tiêu cực tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong cả nước, dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Việc này về mặt luật pháp đã khá rõ ràng, còn về mặt giá trị văn hoá, nó đem lại niềm tin cho người dân về một xã hội công bằng, dân chủ, khi "văn hoá tham nhũng" không còn là hệ thống, bất kỳ ai sai phạm dù ở vị trí nào cũng sẽ bị xử lý.
Thứ hai, các cơ quan an ninh đã quét sạch những thông tin tiêu cực, sai sự thật nhằm chống phá Nhà nước, gây hoang mang cho người dân. Đây cũng chính là những loại "rác" văn hoá cần phải loại bỏ triệt để. Lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc được đẩy mạnh, khiến người dân vững tin vào sự phát triển của đất nước.
Quan trọng hơn, trong nhân dân đã có những phong trào mới theo định hướng mới của Đảng và Nhà nước. Tại các đơn vị cơ sở, phong trào xây dựng môi trường văn hoá đang ngày càng được quan tâm, việc xây dựng gia đình văn hoá theo chuẩn mực được Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tích cực tuyên truyền, tạo nên sức mạnh tư tưởng, đẩy lùi những thói quen xấu, phản văn hoá còn tồn tại trong cộng đồng".
Từ 1/6/2021, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt với số tiền tối đa lên tới 500.000 đồng cho các hành vi thiếu văn hoá tại cơ sở thờ tự, lễ hội như thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh; không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích. Nghị định này phần nào hạn chế những hành vi phản cảm tại các không gian văn hoá truyền thống. Việc tăng mức xử phạt việc uống rượu khi lái xe, tham gia giao thông từ năm 2022 cũng tạo ra những tín hiệu tích cực trong toàn xã hội.
Bên cạnh đó, không thể không đề cập tới việc người dân đang ngày càng quan tâm hơn tới văn hoá khi họ dùng "quyền lực mềm" để thể hiện thái độ của mình. Sự kiện sinh viên tại TPHCM mới đây "tẩy chay" ca sĩ Hiền Hồ tham gia một chương trình văn nghệ ở trường do nữ ca sĩ này gặp vấn đề về đạo đức cho thấy nhận thức của người dân đang dần nâng cao.
Xây dựng con người Việt Nam mới
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát các giá trị con người Việt Nam gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Tổng Bí thư cũng chỉ ra rằng: "Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".
Để xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, loại bỏ "rác" văn hoá là điều được đặt ra cấp thiết bởi nó không chỉ tạo ra hệ luỵ cho một thế hệ, mà ảnh hưởng sâu rộng trong một thời gian dài, cản trở quá trình phát triển của dân tộc. Để người trẻ phân biệt được đúng – sai, đâu là văn hoá, đâu là phản văn hoá, rất cần những hành động rõ ràng và thiết thực của các cơ quan chức năng, cũng như trách nhiệm phản ánh từ cộng đồng. Nói cách khác, muốn xây dựng một thế hệ con người Việt Nam mới, không thể không dọn dẹp một môi trường trong sạch cho họ.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Đoàn Văn Báu - Vụ Trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, loại trừ "rác" văn hoá là việc là thiết yếu, nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc: "Trong quá trình hội nhập, phát triển, chắc chắn sẽ có sự tác động qua lại giữa những nền văn hoá khác nhau, trong đó có sự xuất hiện những trào lưu tiêu cực. Thế nhưng, sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam chúng ta qua bao thế hệ cũng khẳng định rằng: Một khi còn bản sắc văn hoá, chúng ta vẫn sẽ đứng vững và phát triển. Đương nhiên trong quá trình thực hiện sẽ có những khó khăn đặt ra, nhưng càng khó khăn ta cần phát huy nền tảng, những nét đẹp văn hoá Việt. Từ cái gốc đó, những rác thải văn hoá sẽ bị thải loại".
Trong khi đó, PGS.TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chỉ ra rằng, việc bài trừ "rác" văn hoá tuy đã có những tín hiệu lạc quan, nhưng vẫn tồn tại ở đó một số vấn đề cần giải quyết: "Về mặt lý luận, chúng ta đã bắt đầu thể chế một số văn bản, nhưng cũng bộc lộ điểm yếu trong việc thể chế hoá chưa rõ ràng. Những thứ "rác" văn hoá truyền thống như văn hoá "xin – cho" vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực, đôi khi một chiếc bóng đèn trong cơ quan nhà nước muốn sửa cũng phải soạn thành đề án. Chính điều này làm nảy sinh tiêu cực, việc chống tham nhũng vì thế cũng chưa phát huy tối đa sức mạnh.
Theo quan điểm của tôi, cần tập trung xây dựng các thể chế để qua đó tạo ra các chuẩn mực xã hội, qua đó điều chỉnh hành vi con người. Bên cạnh thể chế mang tính nhà nước (thông qua các quy định pháp luật, trong đó cao nhất là luật), còn cần coi trọng những thể chế phi chính thức, bởi Việt Nam vẫn là xã hội nông nghiệp, với đa phần là nông dân. Rất nhiều làng bản, địa phương, người dân vẫn bị chi phối bởi hương ước, phong tục tập quán, cộng đồng xung quanh. Một thời gian dài chúng ta đã quên lãng, hoặc không thực thi điều này. Thậm chí, nhiều địa phương nhầm lẫn thể chế chính thức và phi chính thức".
Chia sẻ với PV Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cũng bày tỏ quan điểm: "Thứ nhất, "rác văn hoá" là vấn nạn quốc tế không chỉ riêng ở Việt Nam. Vì vậy việc xử lý vấn nạn này không phải chỉ trong thời gian ngắn là có thể xử lý triệt để, mà đòi hỏi nỗ lực của nhiều Bộ, Ban, ngành với một chiến lược phát triển dài hạn. Do đó, chúng ta không được bằng lòng hay thoả mãn về những thành tựu bước đầu, mà cần có những biện pháp quyết liệt hơn, cũng như truyền thông sâu rộng tới mọi người dân.
Thứ hai, văn hoá là yếu tố sống còn của đất nước. Vì vậy, việc đầu tư có hiệu quả về mặt văn hoá trên tất cả các bình diện sẽ góp phần thanh lọc những yếu tố không phù hợp của văn hoá nước ngoài trong quá trình giao lưu và tiếp nhận; mặt khác cần phải khơi dậy những yếu tố bản sắc truyền thống, đặc biệt là tinh thần tự cường, tự hào dân tộc. Từ đó góp phần đưa các giá trị đã được tổng kết trong Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 đến gần với người dân cũng như bạn bè quốc tế khi đến với Việt Nam".
(Còn nữa)
No comments