Kể chuyện làng: Nhớ mùa đông quê hương
Nhiều năm qua như cánh chim trời neo đậu ở phương Nam xa xôi ấm áp, tôi ít có cơ hội được trở lại mà đắm mình trong cái rét ngọt ngào trên quê hương nữa. Nhớ về mùa đông là nhớ về một thủơ xa lắm giờ chỉ còn là hoài niệm.
Tuổi thơ của tôi là những mùa đông đẫm chìm mưa dầm gió bấc. Là từ những sáng sớm đã phải cắp chậu quần áo nhiều khi đầy lên tới nách ra cầu sông trước cửa Đình làng mà ngồi mà giặt. Trời lạnh, gió bấc thổi cả đêm kết váng đen cả mặt sông khiến mười ngón tay nhúng xuống nước cứ đỏ ửng lên nhức buốt. Là những buổi học về chỉ kịp quăng cái cặp sách đã vội thò tay vào chăn moi lấy bát cơm mẹ ủ phần vẫn còn âm ấm. Những ngày mưa phùn đường làng ngõ xóm đất bùn lầy lội chân đất, hồi đó cả làng bốn mùa đều đi chân đất thì phải. Chỉ thích nhất là kiếm được mẻ thóc nếp rang bỏng hay mớ khoai mớ sắn nướng lên rồi bạn bè ngồi túm tụm lại mà cười mà phá với nhau thi thôi rồi đời cứ nở bung thơm phức như ngô rang.
Quê tôi đồng chiêm trũng thuộc vùng ngoại ô phía Nam thủ đô. Mùa đông rau cỏ cằn cỗi xác xơ, bèo trong ao cho lợn cũng rạc hết, dọc khoai, rau muống ngoài bờ đê cũng không kịp ra ngọn. Những vạt rau muống trong gió bấc cứ lùn tịt xuống sát mặt đất, già cỗi khô cằn nhưng lại trổ đầy những bông hoa trắng hồng xinh xinh. Chiều chiều tôi thường cắp cái rổ to tướng ra đồng vặt rau vảy ốc, rau dừa về cho lợn. Thích nhất lúc gặt mùa xong khi ấy cánh đồng để ải khô khốc, xám trơ chỉ còn gốc rạ và tha hồ chạy trên ruộng mà không bị thụt chân. Tôi lang thang lấy rau khắp đồng trên đồng dưới. Trời khô hanh khiến rau dừa vảy ốc đều đỏ quạch, thỉnh thoảng vớ được vài ngọn dải non xanh bò lên từ cái hố chân trâu còn sền sệt bùn thì mừng lắm. Đôi khi tôi còn bắt được cả những chú rô ron hay săn sắt đuôi cờ xinh xắn trú ngụ dưới lớp bùn nhão làm tù binh về thả vào cái hộp nước nhỏ để nuôi. Càng mừng hơn khi vớ được bụi chóc nào là lần theo rễ cái để moi bằng được củ của nó nằm sâu dưới bùn. Rồi rửa sạch giắt cạp quần lủng lẳng hí hửng tối về sẽ nướng. Tôi thích củ chóc nướng rất bùi và thơm. Cứ thế mải mê lang thang để rồi chập tối tha được cái rổ rau về nhà thì cũng là lúc mặt mũi chân tay xám ngoét, đóng vảy nứt nẻ toang toác rỉ máu chẳng ra hồn người nữa.
Thế mà chiều nào tôi cũng thích ra đồng, nhất là những buổi không mưa. Có lẽ bởi tôi đã chán quá cảnh tù túng ngồi nhà quay sợi cho bà nên cảm thấy khung trời tự do ngoài đồng thật hấp dẫn lôi cuốn vô cùng. Nắng và gió nơi ấy thật hào phóng. Những vạt cỏ dại đầy hoa tí xíu thơm nồng ngai ngái ven đê. Những gò đất đồng bãi đầy tổ mối rồi hang cua đùn bụ... bao nhiêu là thứ mà tuổi thơ tôi muốn khám phá. Tôi đứng lân la xem bọn chăn trâu mà thèm. Chúng đào đất đắp lò nhổ gốc rạ đốt thành đống dấm nghi ngút khói để vừa sưởi ấm vừa nướng châu chấu, nướng ốc, nướng khoai chia nhau ăn. Tự do và phiêu lãng như những kẻ mục đồng trong những cuốn sách tôi đọc. Chúng chỉ việc rong chơi và thả hồn miên man trong không gian bao la. Tôi chưa bao giờ được đi chăn trâu, ước gì được như bọn chúng. Ta sẽ đem theo sách mà đọc thoải mái, không phải vừa quay sợi vừa đọc trộm nữa. Thường ở nhà, tay tôi vẫn quay sợi mà mắt lại không rời cuốn sách nên nhiều khi làm rối hết sợi của bà. Lại bị một trận la mắng thậm chí là cả ăn đòn nữa đấy.
Mùa đông mưa phùn giá buốt mà không nhớ những ngày đi học thì thật thiếu sót lắm. Trường tôi cách làng một cánh đồng.
Ngay từ khi lớp 1, tôi đã phải tự đến trường một mình bất kể mưa gió. Mà cả làng đứa nào cũng vậy không hiểu sao chẳng ai đưa đón gì. Sáng sớm nghe mẹ gọi dậy ăn cơm đi học là cứ muốn cuộn tròn lại rúc lặng trong chăn ấm. Nhớ những buổi sáng mưa rét tái tê cả bọn dắt díu nhau băng tắt cánh đồng làng để lên trường mà răng cứ lập cập va vào nhau như gảy đàn. Đường đồng lầy lội thậm chí còn phải lội qua cửa xẻ sâu có khi tới cả bẹn non bẹn già cũng mặc kệ. Cả lũ dép xách tay, quần xắn được đến đâu thì cứ xắn, chân dò dẫm từng bước, có những đoạn đường trơn tuột vì không cỏ mọc. Cái thứ đất thịt nâu đỏ gặp mưa phùn nó chỉ nhão ra được một lớp mỏng bên trên thành bùn trơn như mỡ lợn tráng lên lớp đất vẫn rắn chắc bên dưới. Gì chứ ngày nào chẳng có đứa vồ ếch. Có sao đâu. Tự ngồi dậy mà ra rìa con mương gột đỡ bùn rồi lại đi, ai thấy ai cười mặc kệ. Đúng đến cổng trường cả lũ mới rửa chân xỏ dép để vào lớp.
Trường làng đã gian nan như vậy nói chi ra trường huyện xa cả chục cây số và băng qua mấy cánh đồng. Nhiều khi mưa rét ra được đến trường thì chân tay mặt mũi đã tê cứng tím tái hết. Sờ tay lên mặt mình không còn thấy cảm giác gì nữa, cứ như đã chết lâm sàng cái lớp ngoài rồi ý. Đâu chỉ có thế, nhiều lần đường trơn làm tôi còn bị ngã xe xuống bùn xấu hổ với lũ bạn không biết chui vào đâu cho hết.
Tuổi phượng hồng của tôi gắn với một kỷ niệm về những ngày mưa phùn mà có lẽ dẫu đến chết tôi cũng không quên được... Mùa đông năm ấy mưa sụt sùi cả tháng không dứt. Mở mắt ra đã thấy mưa, đêm ngủ nhắm mắt rồi vẫn mưa. Ngày qua ngày lây nhây dầm dề hết ngày hết tháng chưa hết mưa. Mưa dai dẳng khiến mọi thứ trở nên bèo nhèo, nhớp nháp đến phát ớn.
Sáng hôm đó, tôi cùng lũ bạn gái đạp xe đến trường phải băng qua một đoạn đường mương trên cánh đồng mới ra được đường lớn. Con mương mùa này chỉ sâm sấp một ít nước nổi váng đen kít trên mặt bùn. Mặt đường lầy lội phát ớn, chỗ nào cỏ mọc thì chớ còn thì trơn tuột như đổ mỡ. Chẳng hiểu cao hứng gì mà đang đạp xe tôi bất ngờ tách bầy từ trên bờ dễ cao tới gần hai mét mà lao thẳng xuống lòng mương. Đến giờ tôi vẫn nhớ nguyên xi cái cảm giác hoảng loạn của mình khi ấy, giống như có một cái gì đó bất chợt nổ tung trong lồng ngực vậy. Nó tựa cảm giác ta bỗng trượt chân thụt xuống hố sâu rồi bừng tỉnh giấc mơ mà đôi khi ta vẫn gặp trong những giấc ngủ châp chờn. Lũ bạn chỉ kịp nghe thất thanh: "Ối...ối...ối"... đã thấy tôi lọt thỏm, ngọt lịm dưới lòng bùn. Thật ngoạn mục cứ như một màn cat-ca-đơ chuyên nghiệp. Chúng cuống cuồng xắn quần nhào xuống trục vớt bạn. Ơn giời, nhờ có lớp bùn êm ái mà tôi không bị sứt mẻ chỗ nào, nhưng mặt mũi người ngợm, xe đạp và cả cái cặp sách tội nghiệp, tất cả đều choen choét, sờ đâu cũng thấy bùn. Rồi chiếc xe đạp đã được lôi lên bờ nhưng cả bọn mò mãi cũng chẳng thấy đâu một chiếc dép của tôi.
Có lẽ nó muốn nằm lại rồi hóa thạch cho muôn đời sau cũng nên. Khỏi phải nói cái bộ dạng của tôi khi đó chắc là buồn cười lắm. Cơn hoảng loạn dịu bớt nhường chỗ cho nỗi tủi thân xấu hổ nghèn nghẹn dâng dần lên cuống họng mà không khóc được thành lời. Lũ bạn im thin thít nhìn nhau dè chừng không dám ho he an ủi gì sợ tôi chạnh lòng. Còn lạ gì, tôi đi guốc trong bụng chúng nó ý chứ. Thường thì hơi tí cũng ré lên cười đến rách cả trời, đằng này... nhìn bộ dạng tôi thế này mà không buồn cười được sao. Rồi chúng vội đến trường cho kịp giờ. Chắc chắn khuất tôi rồi y như rằng chúng sẽ cười lăn cười lộn, cười văng vào mặt với nhau cho mà xem.
Còn tôi tất nhiên phải quay về với chân không dép và cái bộ dạng kỳ dị, nguyên xi vớt lên từ bùn. Thật không may chút nào vì phải gặp lũ con trai cùng lớp đang đi tới. Khốn nạn cái thân tôi không biết chui vào đâu cho thoát lũ quỷ sứ này. Đầu tiên chúng không nhận ra tôi, tròn mắt ngỡ ngàng: Gì thế này, gì thế này? Rồi cười khi khí: "Mùa này nhiều ếch dưới mương đấy mà". Rồi chúng cười hô hố làm tôi như ù hết cả tai không nói không rằng. Mà dẫu tôi có giận tím tai hay ngượng đỏ mặt chúng cũng chẳng biết bởi mặt tôi khi ấy đầy bùn. Hôm sau, hầu như cả lớp đều biết chuyện tôi lao xuống mương bắt ếch. Lũ quỷ sứ nó thêu dệt, nó châm chọc cái bộ dạng kỳ dị của tôi đến khổ. Cũng may không đứa nào biết làm thơ, cũng chẳng đứa nào biết vẽ nên đã không có một bài vè hay bức biếm họa nào về cái tích vồ ếch của tôi còn lưu lại đến ngày nay. Khổ thế đấy, tại đường nó trơn.
Có một ngày mùa đông không mưa chỉ có bấc hanh khô thổi ù ù. Cả bọn năm đứa rủ nhau đạp xe ngược gió vượt hơn 30 cây số lên Hà nội mua quà tặng cho thầy giáo ốm (chúng làm như ở quê không có gì làm quà được). Chỉ là cái cớ thôi còn chẳng qua là máu phiêu lưu muốn lập thành tích của lũ dở hơi. Lúc khởi hành thì tinh thần lên cao lắm mặc kệ gió bấc chui vào mũi và quấn vào cổ khô rát. Gần trưa lên tới Thủ đô, đứa nào đứa nấy cũng đã nhọc lắm nhưng vẫn tươi cười. Quanh quẩn ở nhà người quen một lúc rồi dắt nhau lang thang dạo phố mua quà. Chao ôi! Mua được vài gói bánh với hai quả xoài nó to như cái đầu gối gập lại. Hí hửng cứ ngỡ to là quý là ngon lắm! Giờ nghĩ lại thấy đó chẳng qua là giống xoài tượng hay Đài Loan gì đó. Nó to thật nhưng không ngon lắm mà cũng không phải quý hiếm gì. Đúng là lũ dở hơi. Xong việc rồi nghĩ đến chặng về mà kinh hãi.
Tuy là xuôi gió đấy nhưng còn đâu năng lượng để mà hăng hái như lượt đi. Đúng chiều xòa tối mới lết về được đến sân trường thì mấy con giời nhuồi nhuội lăn ra bãi cỏ. Chưa đứa nào đứt hơi là còn may đấy. Không biết trời thương tình thế nào mà một quả xoài lại bị hơi giập không còn thích hợp để làm cái việc ý nghĩa kia nữa. Chẳng thể ngưng lại cái ý tưởng khám phá và thưởng thức của ngon vật lạ, chúng chuyền tay nhau vừa gặm vừa mút loáng cái hết quả xoài ngon nhất trên đời. Nhờ thế mà cả bọn lại tươi tỉnh như hoa. Tuy chỉ còn một quả mang biếu Thầy nhưng chẳng sao, đã là quà thì cốt ở tấm lòng mà thôi. Thầy rất vui và cảm động nghe chúng tôi kể chuyện đi mua quà, nhưng thầy sẽ không bao giờ được biết chuyện về quả xoài tội nghiệp đã bị "thủ tiêu" kia.
Mùa đông ấy cách đây đã ba mươi năm, giờ nhớ lại cứ như chuyện cổ tích. Dẫu thời gian có phôi pha thì kỉ niệm về mùa đông quê hương vẫn luôn ấm áp trong lòng người xa xứ. Hình mùa đông trên cánh đồng làng tôi...
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
No comments