Vây dựng và phát triển con người Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước - Tin Tức Giải Trí Việt Nam

Breaking News

Vây dựng và phát triển con người Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước

Ngày 29/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Tại hội thảo, PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm KHXHVN đã đóng góp tham luận với chủ đề ""Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". 

Những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay

Bài tham luận chỉ rõ, trong gần 4 thập niên qua, phát triển toàn diện con người Việt Nam đã trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; việc xây dựng con người theo các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực con người, được nêu ở Nghị quyết TW 5 khóa VIII và Nghị quyết TW 9 khóa XII, đạt được những thành tựu nổi bật. 

Các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực xây dựng và phát triển con người Việt Nam được được hiện thực hóa và phát huy tác dụng rất to lớn, quyết định các thành tựu của đất nước. Nhưng, chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam cũng đang có vấn đề nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, đang gây nên rất nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính con người và xã hội, cản trở công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước. 

Chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước - Ảnh 1.

PGS.TSKH. Lương Đình Hải, phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh - Tuyengiao.vn)

Hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trong trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiên nay của đất nước. Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng ngàn năm lịch sử của mình đến nay, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị... Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét, mà mỗi một hệ giá trị đó lại bao hàm những giá trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau. Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm. Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng,... thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. 

PGS.TSKH. Lương Đình Hải cũng khẳng định, hệ giá trị con người gồm nhiều giá trị cấu thành khác nhau. Ở mỗi giai đoạn phát triển của con người và xã hội thì hệ giá trị con người có những thay đổi nhất định. Điều đó lại dẫn đến sự thay đổi các chuẩn mực cụ thể trong đời sống con người và cộng đồng. Điều này không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh, điều kiện khách quan, lĩnh vực nghề nghiệp, mà còn phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển của chủ thể, phụ thuộc vào tiến trình chuyển biến của vòng đời con người. 

Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tiêu chí, giá trị, chuẩn mực của thiếu niên và nhi đồng (5 điều Bác Hồ dạy), khác với tiêu chí, giá trị, chuẩn mực của anh bộ đội, của lực lượng công an nhân dân. Việc xây dựng hệ giá trị con người trong thời kỳ mới hiện nay phải cụ thể hóa thành các tiêu chí, chuẩn mực, cho các từng lớp người, các lĩnh vực xã hội, các lứa tuổi khác nhau, trên cơ sở phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây.

Cho đến nay, cả về phương diện nhận thức lẫn thực tiễn, giới học thuật chúng ta chưa xác định chính xác được hệ giá trị con người với những chuẩn mực, tiêu chí cụ thể, được xã hội đồng thuận, để có thể khai thác, phát huy, phát triển trong thời kỳ mới hiện nay một cách phù hợp, hiệu quả tốt hơn. Một số học giả, nhà nghiên cứu, thậm chí cả một vài người nước ngoài đã nêu lên một số nhận định về xã hội, con người Việt Nam như: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu và một số học giả khác... mà họ xem đó là những giá trị Việt.

Nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng thì thấy đúng ra đó mới chỉ là những đặc tính nhất định của con người hoặc xã hội Việt Nam ở một giai đoạn lịch sử nào đó chứ chưa phải toàn bộ những nội dung mà họ nêu đều đã là những giá trị Việt hay hệ giá trị con người Việt Nam. Một số tài liệu khác cũng đã xác định các đức tính hoặc tiêu chí xây dựng con người Việt Nam. Nhưng đó không phải là tất cả giá trị hay hệ giá trị con người Việt Nam dù trong nội dung có thể hiện các giá trị con người. 

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ở Hội trường Ba đình ngày 21/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết, khái quát các giá trị con người Việt Nam gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

"Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc". 

Đây có thể xem là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Những giá trị này vừa là kết tinh những truyền thống tốt đẹp hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, vừa là yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam đương đại phải thực hiện, phải tuân thủ, phải xem là khung khổ, khuôn mẫu, tiêu chí để suy nghĩ và hành động. Không ai có thể phủ nhận rằng yêu nước là một giá trị của con người Việt Nam, dù đó là con người Việt Nam trong lịch sử hay con người Việt Nam hiện nay. 

Những điểm cần lưu ý trong việc xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị con người

Theo PGS.TSKH. Lương Đình Hải, thực trạng xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị con người trong giai đoạn hiện nay cần lưu ý mấy điểm sau đây: 

Thứ nhất, từ trước đến nay, trong các tài liệu, kể cả văn kiện Đảng mấy nhiệm kỳ gần đây đều đã nhấn mạnh điểm nghẽn của sự phát triển đất nước nói chung và của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa là nguồn nhân lực; đột phá của sự phát triển cũng là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao - hiện đang là điểm nghẽn đối với sự phát triển đất nước. "Nghẽn" về khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam, là nội dung rất quyết định trong phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao, lại chưa được nghiên cứu, chưa được nhận thức, và chưa được thể hiện thành chính sách, giải pháp cụ thể.

Chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước - Ảnh 2.

Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" diễn ra vào ngày 29/11. (Ảnh: Thảo Quyên).

Thứ hai, tất cả các chủ trương chính sách về con người và về nguồn nhân lực, nhân lực cho đến nay vẫn chưa chú ý đến hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam, càng chưa chú ý trực tiếp đến khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển các hệ giá trị đó trong việc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóađất nước, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển bền vững. Đại hội Đảng các kỳ gần đây đếu nhấn mạnh vai trò chủ thể của con người, xem con người là mục tiêu, động lực, con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển. Nhưng vai trò chủ thể, động lực của con người lại bị quy định bởi các hệ giá trị mà con người mang trong mình, lại không được nói đến. 

Thứ ba, hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam là một trong những nội dung cốt lõi nhất của xây dựng phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Các hệ giá trị đó đều trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra các sản phẩm có giá trị và có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Thứ tư, trong hiện thực, chúng ta đang "khủng hoảng" hệ giá trị con người ở những mức độ khác nhau. Suy thoái về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tư duy, của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Việc xác định, xây dựng và phát huy các hệ giá trị văn hóa, con người là rất cần kíp, rất quan trọng, rất có ý nghĩa đối với việc phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Không xác lập rõ, không củng cố được và không phát huy được các hệ giá trị Việt Nam, nhất là hệ giá trị con người trong thực tế, chúng ta khó có thể đẩy lùi được tình trạng suy thoái nói trên. 

Thứ năm, cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội là những chủ thể xã hội đặc biệt quan trọng trong việc hình thành hệ giá trị con người. Các chủ thể xã hội này có chứng năng, vai trò đặc biệt, to lớn trong việc khơi dậy, trao truyền, bồi đắp, phát triển, tiếp biến và phát huy, hệ giá trị con người, các hệ giá trị Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ cá nhân, cộng đồng này qua cá nhân, cộng đồng khác. Sự kết nối liên hoàn vai trò giáo dục hệ giá trị con người của các chủ thể cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tiếp nhận, hình thành, và phát triển các hệ giá trị Việt Nam nói chung và hệ giá trị con người nói riêng, đặc biệt là giữa các thế hệ trẻ. 

Trong quá trình chuyển đổi của đất nước, đang xuất hiện sự "đứt gãy", gián đoạn về giáo dục, trao truyền hệ giá trị con người giữa các thế hệ. Trước đây công việc này, chủ yếu do gia đình đảm nhận, là vai trò, chức năng căn bản của gia đình, ông bà, bố mẹ. Ngày nay, trẻ em, nhất là trẻ em ở các thành phố, khu công nghiệp, thời gian trẻ em ở trường, giao tiếp với cô thầy, bạn bè, học tập kiến thức nhiều hơn ở nhà với ông bà, bố mẹ, anh chị em. Trong khi nhà trường chưa sẵn sàng, chủ động với giáo dục các hệ giá trị thì vai trò, chức năng của gia đình về việc này đang bị rút bỏ. Xã hội chưa sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ trực tiếp, chủ động trao truyền, giáo dục hệ giá trị con người và các hệ giá trị khác thì gia đình đã bị tước bỏ chức năng này. Đây là khuyết khuyết lớn cần phải nhanh chóng được khắc phục càng sớm càng tốt.

Thứ sáu, Đảng ta đã ra nhiều nghị quyết rất quan trọng, rất kịp thời, rất sát, rất đúng, rất trúng vào thực tiễn về nhiều vấn đề của đời sống xã hội trong các thời kỳ khác nhau, từ khi đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước. Trong giai đoạn Đổi mới, mặc dù Đảng đã xác định con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm của sự phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải do con người, vì con người. Nhưng, trong thực tế, chủ trương đó vẫn chưa được các chủ thể xã hội khác nhau thực sự xem con người, nhân lực là khâu quyết định; Đảng chưa có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người, dù tất cả các nghị quyết đều có nói về con người. 

Cuối tham luận tại Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", PGS.TSKH. Lương Đình Hải khẳng định: "Động lực, nội dung cốt lõi của xây dựng và phát triển con người trong giai đoạn hiện nay chính là xác lập, khơi dậy và phát huy các hệ giá trị con người, gia đình, cộng đồng, văn hóa, quốc gia trong mỗi con người, mõi chủ thể xã hội khác nhau. Mô hình và chiến lược, phương thức, giải pháp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước từ nay cho đến 2030, tầm nhìn đến 2045, phải gắn kết thực sự với chiến lược xây dựng và phát triển con người với những nội dung về các hệ giá trị Việt, nhất là hệ giá trị con người Việt Nam trong nghị quyết đó".

No comments