Hà Nội: Hàng loạt sự kiện đặc sắc và thú vị chào mừng Ngày Di sản
Triển lãm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản thiên nhiên và văn hoá đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt Di sản thiên nhiên Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đồng thời, quảng bá tiềm năng, sức hấp dẫn của du lịch sinh thái tại các Di sản thiên nhiên Thế giới, Khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia…
Đây cũng là hoạt động xã hội sâu rộng nhằm tăng cường nhận thức, trách nhiệm, tinh thần yêu nước, niềm tự hào của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với di sản thiên nhiên của đất nước; tăng cường nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên, hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ sự kiện, triển lãm "Di sản thiên nhiên Việt Nam" sẽ giới thiệu 120 bức ảnh, giới thiệu các di sản thiên nhiên của Việt Nam, những nét đẹp thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, nét đẹp văn hóa, danh lam thắng cảnh, sinh hoạt đời sống con người hằng ngày gắn với môi trường thiên nhiên tại các di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển, Vườn Asean…
Khu trưng bày của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cũng sẽ giới thiệu những nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ, giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam... qua 50 bức ảnh tiêu biểu, đó là các hình ảnh về rừng tự nhiên dãy núi Fansipan (Lào Cai), Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Hang động Sơn Đòong (Quảng Bình), núi Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và nhiều Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên khác ở Việt Nam, hình ảnh các loài động vật (côn trùng, bò sát - lưỡng cư, chim, thú…), các loài thực vật do các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Florence Italia, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin, CHLB Đức ghi lại ở Việt Nam trong 20 năm qua. Ngoài ra, một số mẫu vật về thiên nhiên (côn trùng, hóa thạch) cũng được giới thiệu tại triển lãm.
Các tỉnh, thành phố như: Hà Giang, Ninh Bình, Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Nam cũng sẽ có các gian trưng bày riêng để giới thiệu các di sản trên địa bàn của mình.
Đến với sự kiện lần này, tỉnh Hà Giang giới thiệu những giá trị nổi bật của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, các di tích, danh thắng nổi tiếng của tỉnh kết hợp các tour, tuyến du lịch gắn với di sản và cộng đồng, một số sản vật và ẩm thực địa phương. Tỉnh Điện Biên giới thiệu đặc trưng văn hóa của người Thái qua đời sống văn hóa, tinh thần, ẩm thực địa phương: khăn piêu, thổ cẩm, túi Thái, quả còn, hoa lau…Ẩm thực đặc sắc như: thịt sấy khô, xôi ngũ sắc, bánh sắn, bánh khoai, thịt nướng tẩm gia vị núi rừng… Đặc biệt, Câu lạc bộ văn hóa Thái tỉnh Điện Biên sẽ mang không gian văn hóa Xòe Thái đến với các đêm giao lưu nghệ thuật trong khuôn khổ của sự kiện.
Hải Phòng sẽ giới thiệu sâu về Di sản thiên nhiên - Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà. Ninh Bình sẽ giới thiệu các bức ảnh được chọn lọc từ hàng nghìn bức ảnh đẹp của các nghệ sỹ chụp các danh lam thắng cảnh của Ninh Bình.
Thanh Hóa giới thiệu những di sản thiên nhiên xanh: Vườn quốc gia Bến En với nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau; Biển Sầm Sơn; Suối cá Thần Cẩm Lương (còn được goi là suối Ngọc); Thành Nhà Hồ… Ngoài ra, Thanh Hóa cũng giới thiệu về hồ Pha Đay mang nét đẹp nguyên sơ, di sản các làng nghề truyền thống của Thanh Hóa như: đúc đồng, mây tre đan, dệt thổ cẩm…
Tại sự kiện này, Quảng Nam sẽ cung cấp thông tin Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 và ấn phẩm du lịch, tặng quà lưu niệm… chiếu phim du lịch Quảng Nam, các điểm đến, sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái Quảng Nam.
Vinh danh nghệ nhân và các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ X chào mừng Ngày Di sản
Chương trình vinh danh nghệ nhân và các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ X – 2022 với chuỗi hoạt động đặc sắc như: Lễ rước tri ân Tổ nghề giò chả Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội và Lễ dâng hương tại Nhà thờ Bách nghệ từ đường; Vinh danh Nghệ nhân và các danh hiệu Nghệ nhân lần thứ X - năm 2022; Hội nghị "Hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc";
Khu trưng bày các sản phẩm tinh hoa Làng nghề Việt Nam: Gốm Bát Tràng, Chu Đậu; gỗ sơn son thếp vàng Sơn Đồng, gỗ mỹ nghệ Vân Hà; khảm trai, sơn mài Chuôn Ngọ, Hạ Thái; thêu Quất Động, Thắng Lợi; mây tre đan Phú Vinh, Xuân Lai (Bắc Ninh); đồng mỹ nghệ Đồng Xâm, Đại Bái; điêu khắc đá Thọ An, Thụy Ứng, lụa Vạn Phúc, Nha Xá (Hà Nam); tranh dân gian Đông Hồ; đèn lồng Hội An; nghệ thuật tranh kính của Nghệ nhân làng nghề: Phạm Hồng Vinh; Triển lãm ảnh nghệ thuật "Làng nghề Việt Nam - Điểm hẹn bốn phương" giới thiệu những làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của các vùng được tạo dựng từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, sự kiện còn có không gian trưng bày 50 tác phẩm gốm phù điêu nghệ thuật của nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên – Hải Phòng; Trưng bày sản phẩm tiêu biểu của Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022; Không gian nghệ thuật Sen thư pháp với 100 bức Sen thư pháp với những câu thơ, bài thơ được thể hiện bằng thư pháp hoạ hoa sen trong đời sống văn hoá Việt; Không gian nghệ thuật ẩm thực Trà Việt và Khu ẩm thực Bếp làng.
Tại "Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên" năm 2022 các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật chú trọng tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, giới thiệu những loại hình nghệ thuật, lễ hội đặc trưng mang đậm bản sắc vùng miền của cư dân sinh sống tại các di sản thiên nhiên, khu dữ trữ sinh quyển như: nghệ thuật Xòe Thái, múa xoang Tây Nguyên, Trò Xuân Phả (Thanh Hóa), múa Chăm (Quảng Nam), hát xẩm (Ninh Bình)… Chương trình giao lưu và thi tìm hiểu về di sản của sinh viên 6 trường Đại học trên địa bàn Hà Nội với chủ đề "Tuổi trẻ - Khát vọng xanh".
No comments