'21 bài học cho thế kỷ 21': Cú đánh vào ảo tưởng hòa bình, thịnh vượng - Tin Tức Giải Trí Việt Nam

Breaking News

'21 bài học cho thế kỷ 21': Cú đánh vào ảo tưởng hòa bình, thịnh vượng

Cuốn sách "21 bài học cho thế kỷ 21" là hồi chuông cảnh tỉnh cho một thế giới đang không ngừng biến chuyển.

Cuốn sách 21 bài học cho thế kỷ 21 là sự tiếp nối cho hai cuốn sách thuộc hàng kinh điển khác trước đó của nhà sử học người Israel, Yuvah Noah Harari. Nếu như Sapiens là cuốn sách đề cập đến quá khứ và Homo Deus đề cập đến tương lai thì tác phẩm mới nhất này của ông lại bàn về thực tại, bàn về những vấn đề có tính toàn cầu nhưng rất sát sườn với số đông người đọc. Sách đã được Nhã Nam phát hành một thời gian và luôn nằm trong top bán chạy nhất vì tính thiết thực và cấp bách của nó.

'21 bài học cho thế kỷ 21': Cú đánh vào ảo tưởng hòa bình, thịnh vượng
Nhà sử học người Israel, Yuvah Noah Harari.

Theo Harari, con người chúng ta đang trải qua thời kỳ phát triển nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Chính sự biến đổi nhanh chóng này đã làm cuộc sống hiện đại của chúng ta đảo lộn và ẩn chứa quá nhiều mối lo ngại khiến chúng ta không thể yên giấc. Các Homo Sapiens trước đây chỉ phải đối mặt với những vấn đề lũ lụt, thời tiết, cái ăn, cái mặc, những vấn đề mà thường chỉ ảnh hưởng đến vài người hoặc nhóm người thì giờ phải đối mặt với hàng loạt các nguy cơ hủy diệt mang tính toàn cầu.

Đó là chủ nghĩa khủng bố, là nguy cơ chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu và những đứt gãy của khoa học công nghệ. Cho đến nay, đâu là những thách thức lớn nhất và những thay đổi quan trọng nhất? Chúng ta nên chú ý vào điều gì? Chúng ta nên dạy trẻ em điều gì? - đó là những câu hỏi được đặt ra và được Harari trả lời trong cuốn sách mới nhất này.

'21 bài học cho thế kỷ 21': Cú đánh vào ảo tưởng hòa bình, thịnh vượng

Mới đọc tựa đề cuốn sách, có lẽ chúng ta ai cũng nghĩ rằng chắc hẳn tác giả muốn khuyên bảo, dạy dỗ một điều gì đó đây. Nhưng thực sự lại không phải vậy, Harari chỉ đưa ra một cú đánh đầu tiên vào tỉnh thức của chúng ta. Cuộc sống êm ấm và sung túc của chúng ta ngày nay thực ra chỉ là một ảo giác và nó đang tràn đầy các nguy cơ.

Sẽ ra sao nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân, chiến tranh sinh học, một vị lãnh đạo quốc gia nào đó nổi khùng hoặc muốn phân chia lại trật tự thế giới? Sẽ ra sao nếu khí hậu biến đổi đến mức con người bất khả lay chuyển, và càng ngày chúng ta càng không nhận thức rõ vấn đề? Và cuối cùng các đứt gãy về công nghệ sẽ tác động như thế nào đến cuộc sống của từng cá thể, từng dân tộc trong thế kỷ này? Đó là 3 gáo nước lạnh buốt dội lên các tham vọng và ảo tưởng của con người.

Chiến tranh hạt nhân và biến đổi khí hậu có thể đã có những dấu hiệu rõ ràng tuy nhiên nó cũng đã được biết đến từ hàng chục năm trước và có lẽ vẫn còn quá xa vời với nhiều người, nhiều quốc gia. Có lẽ với người Việt Nam, người Ấn Độ hiện nay, những vấn đề đó cũng chẳng quan trọng bằng cái ăn, cái mặc. Nhưng những biến đổi đột ngột về công nghệ có lẽ đang tác động gần hơn bao giờ hết đối với hầu hết mọi người.

Do đó 2 chương tiếp theo tác giả tập trung vào những vấn đề sống còn do những biến đổi về mặt công nghệ, đó là vấn đề việc làm và tự do với hai câu hỏi lớn: nếu máy móc thay thế được con người hiện tại thì con người làm gì? và liệu con người có thật sự có sự tự do khi lệ thuộc vào công nghệ hay không?

Thật vậy, con người hiện nay đang đối mặt với những vấn đề lớn khủng khiếp về việc làm. Với những bước tiến cực nhanh của công nghệ hiện nay, thậm chí gần như 90% số việc làm hiện tại sẽ biến mất trong khoảng 30 năm nữa. Sẽ có những việc làm khác sinh ra nhưng liệu con người có kịp thích nghi để học hỏi làm những công việc khác hay không?

Chúng ta đã từng phải mất 5 năm để học các kỹ năng bán hàng và tài chính nhưng những công việc đó đang biến mất, và sẽ có thể mất thêm 5 năm để chuyển nghề học lập trình cho ra ngô ra khoai. Nhưng sẽ ra sao khi chỉ chục năm tới, các thuật toán của chúng ta có thể tự động lập trình ra chương trình chỉ cần dựa trên mô tả mà không cần có bất cứ sự can thiệp nào của con người?

Rõ ràng, con người càng ngày càng được đòi hỏi nhanh hơn, và liên tục phải thay đổi để học hỏi càng ngày càng nhiều các kỹ năng phức tạp. Giờ đây chúng ta không thể ổn định một công việc trong suốt cuộc đời được nữa. Có quá nhiều sự thay đổi đang thúc ép chúng ta phải liên tục học hỏi. Vậy thì liệu chúng ta có khả năng liên tục thay đổi, liên tục học hỏi những cái mới hay không? Và liệu thể chất cũng như tinh thần của chúng ta có chịu được cường độ thay đổi cao như vậy hay không?

(Còn tiếp)

Tình Lê

Cố nhà văn Kim Lân được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Cố nhà văn Kim Lân được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Nhà văn Kim Lân là một trong 9 nhà văn nằm trong danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

No comments